Lịch sử Công_viên_Lê_Thị_Riêng

Thời Việt Nam Cộng hòa, khu vực này là một nghĩa trang rộng 30 ha, có tên là nghĩa trang Chí Hòa (trước đó gọi là nghĩa địa Đô Thành). Lân cận khu này là khám Chí Hòa, xa hơn là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. Sau thiệt hại lớn về nhân mạng của đôi bên trong sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, chính quyền đô thành Sài Gòn bấy giờ cho đào hố lớn trong nghĩa trang để chôn tập thể hàng ngàn xác người, từ sự việc này mà sinh ra những lời đồn đại dị đoan. Thấy vậy, Hội Phật tử Long Hoa Sài Gòn cho xây ngôi miếu và tạc tượng Địa Tạng để trong nghĩa trang. Tượng có chiều ngang 0,75 m, đế cao 3 m, có chất liệu là đá Italia đen nặng gần 10 tấn, do điêu khắc gia Mai Lân thực hiện. Năm 1983, trong một nỗ lực nhằm cải tạo bộ mặt đô thị, nhà chức trách cho giải tỏa nghĩa trang Chí Hòa để xây công viên. Ngày 23 tháng 8 năm 1986, pho tượng Địa Tạng được dỡ lên để di dời về Quan Âm tu viện ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.[3]